GA-LA-TI (Phần 1 T.T)

    
II/- Các Hội thánh tại Galati (1:2).

Nhiều Hội thánh tại miền Galati.  Có những người bị lôi cuốn niềm tin cậy vào luật pháp nhiều hơn đặt lòng tin vào Ân-sủng của Đức Chúa Trời trong Chúa Giê-su Christ, họ không bỏ hẳn Phúc-âm Đấng Christ mà vặn vẹo và bóp méo bằng cách thêm thắt vào sự xưng Công-chính và Ân-sủng của Thiên Chúa.  Thật buồn khi có nhiều Cơ-đốc nhân quay lại lưng lại với Phúc-âm thật, đem vào Hội thánh Đấng Christ một số luật pháp pha lẫn nhầm hạ thấp màu sắc Ân-sủng của Thiên Chúa.
  

1/. Thiên chức  (Gal 1:1-5)

Trước hết, chúng ta tìm hiểu về chức vụ mà Phao-lô đã nhận được như thế nào?  Chúng ta cần xác định thiên chức mà chúng ta đang có là chức vụ từ Chúa ban cho, Ngài giao phó một công việc nào đó cho từng Cơ-đốc nhân và kèm theo với các ân tứ để hầu việc Ngài.  Chức vụ từ ơn thương xót của Thiên Chúa ban và quyền hạn theo thư Ga-la-ti cho biết nó bắt nguồn từ ba yếu tố:

1.1 Chức vụ (Gal 1:1-2). Đức Chúa Trời kêu gọi một số người cách đặc biệt để giao việc (tiên tri) và trong đó có nhiệm vụ đặc biệt là Sứ-đồ(được sai đi)cho một sứ mạng.  Điều nay đã xảy ra trong thời Chúa Giê-su, Ngài có nhiều môn đồ(tín hữu), từ trong các môn đồ Ngài chọn ra mười hai người làm Sứ-đồ(Mác 3:13-19).  Một trong những điều kiện để được vào hàng ngũ Sứ-đồ được rút ra từ Kinh thánh, họ là những người chứng kiến sự phục sinh của Đấng Christ (Congv 1:21-22, 2:32, 3:15).  Phao-lô cũng vậy, ông chứng kiến sự xuất hiện của Chúa Giê-su trên đường Đa-mách, trước lúc đó ông không tin về điều này và ngay sau đó Ngài đã giao phó trọng trách Sứ-đồ cho ông(Congv 9:1-8; 1Cor 9:1).

1.2  Sứ điệp (Gal 1:3-4).  Phao-lô là một nhà cải chánh Phúc-âm trong thời kỳ này bởi Hội thánh đang có chiều hướng lệch lạc ra ngoài lẽ thật Phúc-âm với những giáo lý lạ, ngoài ra họ còn thêm một số luật pháp vào ân sủng của Thiên Chúa và lôi kéo nhiều tín hữu xa rời lời Chúa.  Chính vì vậy, sứ điệp của ông khẳng định lại chân lý và lẽ thật ân sủng của Phúc-âm nơi Đấng Christ(Gal 2:19-21, 3:1, 13, 4:5,5:11, 24, 6:12-14).  Cho nên, trung tâm điểm của thư Ga-la-ti là” Chúa Giê-su đã hoàn tất mọi sự tại thập tự giá”và “sự tự do trong Đấng Christ“là chủ điểm chính yếu(Gal 2:4, 4:3, 9, 24-25, 5:1)

1.3 Động cơ (Gal 1:5):”Nguyền Ngài được vinh hiển vô cùng”.  Phao-lô luôn làm mọi sự để tôn cao danh Thiên Chúa và muốn dâng vinh hiển về Ngài.  Trong khi đó một số người khác chỉ tôn cao chính mình(Gal 6:12-14).

2/.Cơ-đốc nhân biết liên kết với hết thảy các thành viên trong Hội thánh Đấng Christ:

Là người Cơ-đốc luôn luôn có sự hiệp một, hợp tác với nhau trong tinh thần gây dựng và phát triển Hội thánh Chúa khi còn tại thế và kêu gọi các thành viên giữ vững vàng chân lý-lẽ thật của Phúc-âm.  Khi xem bức thư này chúng ta thấy: tại Hội thánh có một số người thiếu sự nhiệt tình có chủ ý.  Thông thường cách xưng hô, được các Sứ-đồ gọi với nhau”Hội thánh của Đức Chúa Trời”,”Thánh-đồ”, hoặc “Người trung tín trong Đức Chúa Giê-su Christ.”  Ngoài ra, còn có những lời diễn tả tạ ơn vì cớ những Cơ-đốc nhân, hoặc ngợi khen Chúa vì những mỹ đức cao trọng của họ có được trong Danh Cứu-Chúa và đôi khi Kinh thánh cũng đề cập đích danh của từng tín hữu.  Nhưng, Hội thánh Ga-la-ti được ghi chép lại không thấy yếu tố nào, chắn chắc có tính nghiêm trọng của nhiều lỗi lầm trong các Hội thánh tại đây!  Khiến cho lời trong thư nghiêm khắc và lạnh lùng đối với những tín nhân này.

3/. Những đặc điểm cần chú ý:

-Chúng ta biết rằng con người được tuyên xưng công chính không phải vì các việc tuân giữ Kinh Luật, nhưng vì tin vào Chúa Giê-su Christ, ngay chính chúng ta cũng đã tin vào Chúa Cứu Thế để được tuyên xưng công chính nhờ đức tin nơi Chúa Cứu Thế, không phải nhờ các việc tuân giữ Kinh Luật, bởi vì không ai được tuyên xưng công chính nhờ các việc tuân giữ Kinh Luật.(Galati 2:16).  Người Israel khi xưa họ cũng cậy vào cây thang luật pháp để mong rằng sẽ trèo được đến sự xưng công chính của Thiên Chúa mà vào cửa Thiên đàng nơi có sự sống vĩnh hằng.  Nhưng Kinh thánh cho biết ông Apraham không đi con đường luật pháp để được Thiên Chúa kề ông là công chính, (mà lúc nầy làm gì có luật pháp Moise để mà ông phải làm theo).   Sángth 15:6, ghi nhận rằng: “Ông tin Thiên Chúa, và vì thế, Đức Chúa Trời kể ông là người công chính”. 

-Vì vậy,  ngày nay sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môi-se.  Điều này, sách Luật và các tiên tri làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Chúa Giê-su. Tất cả những ai tin  đều được như thế, bất luận là ai. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Chúa Giê-su. Thiên Chúa đã đặt Ngài làm hy lễ xá tội nhờ máu của Ngài cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Ngài là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Ngài đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Ngài muốn cho cho chúng ta thấy rằng Ngài vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Chúa Giê-su được nên công chính.(Rom 3:21-26)

-Chính vì thế mà bức thư nầy được viết ra và nó là bối cảnh của các độc giả thời xa xưa đó.  Không ít nơi tại Galati họ muốn”xách cây thang luật pháp” đem vào dựng lại rồi cùng nhau hô hào leo lên cách rất trật tự , nghiêm túc nhằm để được xưng công chính, rổi thêm vào những việc thiện lành-công đức để tự khen ngợi lẫn nhau??? Rồi tự bày tỏ ra với mục đích cho mọi người nhìn thấy mình là “kẻ sùng đạo.” Luật pháp là tốt lành nó cũng đến từ Thiên Chúa, nhưng việc đó không liên quan đến sự xưng công chính(Rom 7:12-13).

Ngày nay, Hội thánh tin Chúa Giê-su Christ theo ân điển của giao-ước mới hay làm theo luật pháp?  Kinh thánh Heb 8:13 cho biết: Đã gọi là “giao ước mới,” thì Ngài đã làm cho giao ước thứ nhất thành cũ kỹ, và cái gì cũ kỹ già nua thì sắp tiêu biến đi.
           
III/- Lời Chúc Phước(1:3-5):

Một sự ban bố về một Sứ điệp rất rõ ràng. Đức Chúa Giê-su Christ là Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su đã hy sinh chính mình Ngài vì tội lỗi chúng ta để giải cứu chúng ta thoát khỏi đời gian ác hiện tại đúng theo ý muốn của Đức Chúa Trời.  Đấng Christ đã trả giá đắt tại thập tự giá để chuộc chúng ta(Galati 2:19-21;3:1,13; 4:5; 5:11,24; 6:12-14)ra khỏi sự gian ác đời nầy.  Vì Đức Chúa Trời đã không định cho chúng ta bị cơn thịnh nộ nhưng được hưởng ơn cứu rỗi bởi Chúa Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta để chúng ta dù thức hay ngủ đều được sống với Ngài.(1Tes 5:9). 

1/. Lời chúc cho Hội thánh: Được ân điển và sự bình an. Có phải chăng ấy là: Để cứu chúng ta thoát khỏi cõi đời xấu xa hiện tại, Đức Chúa Giê-su đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa là Cha chúng ta.  Vậy thì, theo ý muốn của Thiên Chúa, Ngài thật sự muốn ban một món quà “ cứu rỗi” cho Hội thánh Ngài.  Ấy gọi là ân điển và khi nhận được hoàn toàn thì sự bình an tràn ngập phủ lút trong năng lực Chúa Thánh Linh vận hành.  Phao-lo không xin Thiên Chúa điều gì khác hơn là: ân diển và sự bình an cho Hội thánh, chắc chắn ông đang nhìn thầy họ đang đi dần vào chỗ trật phần ân điển và đánh mất sự bình an, bởi vì họ đem luật pháp vào để nương cậy nhưng rồi bỏ qua đức tin nơi sự chết của Chúa Giê-su Christ.  Họ quên rằng luật pháp là văn tự còn giao ước là lời Thiên Chúa đã hứa.  Chúa Giê-su Christ đã thiết lập một giao ưới mới cho Hội thánh Ngài(Mat 26:26): Bao gồm: thân thể Ngài phải vỡ tan ra cho Hội thánh và huyết Ngài phải chảy ra vì ban sự tha thứ cho người”.  Đây là ân điển cứu-rỗi mà Chúa Jesus đã thực hiện dành cho kẻ tin đến danh Ngài.

1.1 Ân điển.  Ân điển và bình an là hai ngôn từ thật tuyệt vời của Phúc-âm thật trong Chúa Cứu-thế.  Ân điển là sự nhơn từ không xứng đáng nhưng được nhận do Đức Chúa Trời ban cho những tội nhân gian ác.  Thay vì phải đòi hỏi con người phải làm, ân diển cho biết chính Thiên Chúa đã làm và Ngài luôn mời gọi tội nhân đến nhận sự cứu rỗi như món quà tặng không.  Thay vì tìm kiếm con người tốt để ân điển có thể chấp nhận họ, thì ân điển đang tìm kiếm những con người đã bị định tội, có tội, không thể nói nên lời và hoàn toàn bất lực, để có thể cứu rỗi tội nhân, làm họ nên thánh và vinh hiển.

1.2 Bình an.   Bình an là kết quả của ân điển dư dật.  Khi một tội nhân tiếp nhận Chúa Giê-su Christ, tín nhân nhận bình an của Thiên Chúa.  Người ấy yên nghĩ vì biết hình phạt dành cho tội lỗi của mình đã được Chúa Giê-su trả xong, mọi tội đã được tha và tín nhân sẽ không còn bị định tội nữa.  Nhưng ân điển không những cứu rỗi, ân điển còn gìn giữ.  Cơ-đốc nhân không những cần đến các phước hạnh do Đức Chúa Trời, mà còn cần sự bình an của Đức Chúa Trời.  Đây là những phước hạnh mà lời trong Kinh thánh đã chúc cho Hội thánh khi mở đầu của bức thư gởi cho Hội thánh Ga-la-ti và cũng như cho Hội thánh Chúa ngày nay.  Chắc chắn những tín nhân nhận thấy những phước hạnh này sẽ không bao giờ nhờ cậy luật pháp vì luật pháp đem sự rủa sả đến cho mọi người khi vi phạm các điều khoản của luật pháp qui định và luật pháp không hề đem sự bình an đến cho bất kỳ linh hồn nào.

Được ân diển và sự bình an.  Chúng ta cũng cần suy gẫm lại, chúng ta đang nhận ân-điển-sự bình an chưa?  Hai điều nầy đi song hành:  khi Ngài thi hành việc ân điển cho chúng ta, sau đó Ngài cũng ban bố: “Ta để lại sự bình an cho các con. Sự bình an Ta ban cho các con không phải như của thế gian cho. Đừng sờn lòng nản chí và sợ hãi.”(Gia 14:27). Và:” Sự bình an của Đức Chúa Trời, là bình an vượt trên mọi hiểu biết, sẽ bảo vệ tấm lòng và tâm trí anh chị em trong Chúa Giê-su.”(Phil 4:7)

2/. Lời chúc cho Đức Chúa Trời: Trong cuộc đời chúng ta, chúng ta thường chúc tụng nhau với nhiều lời rất tuyệt.  Nhưng chúng ta đã dâng lời chúc táng Đức Chúa Trời như thê nào?  Qua những bài nhạc chăng? Qua đời sống chăng?...Phao-lô cho thấy trong phần Kinh thánh (1:1-5) nầy chúng ta chúc tụng Ngài qua chức vụ mà mình đã nhận nơi Ngài.  Thật là tuyệt vời khi mỗi người trong vòng chúng ta nhận biết sứ mệnh của Chúa Giê-su giao, biết dâng lời chúc tụng Ngài qua việc thi hành sứ mệnh dâng lên cho Ngài, để Ngài được vinh hiển.

2.1 ĐứcChúa Trời, Đấng đáng để nhận được mọi lời chúc táng.

Chúa là Thần linh sự sống, Ngài rất ưa thích loài người chúng ta dâng lời chúc tụng cho Ngài, về Ngài chỉ duy Ngài được sự cao trọng , không một ai có thể cướp đi sự ấy được. “Chính vì thế, Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh hiệu; Để khi nghe đến danh của Đức Chúa Giê-su, mọi đầu gối trên trời dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi phải tuyên xưng Chúa Giê-su là Chúa.  Mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha.” (Phil 2:9-11).

Vì mọi sự đều từ Chúa, bởi Chúa và hướng về Chúa. Vinh quang quy về Ngài đời đời vô cùng! A-men.”(Rom 11:36).  Một tín hữu chân thật thì luôn luôn muốn qui vinh hiển về cho Đức Chúa Trời-tôn vinh Chúa Jesus (1Cor 6:19-20, 10:31-33) .  Đây là động cơ để thi hành chức vụ của một thánh chức thật, kẻ giả hình thì không(Gal 6:12-14).

Kinh thánh thư Ga-la-ti nhắc cho mọi tín nhân phải nhớ lại giá phải trả hết sức lớn lao để họ nhận được sự cứu  rỗi”Đấng phó mình vì tội lỗi chúng ta”.  Nếu Đấng Christ đã phó mình để giải quyết xong vấn đề tội lỗi, thì người Cơ-đốc không cần phải bổ sung và để giúp chúng ta chuộc tội lỗi bằng cách giữ luật pháp.  Đấng Christ là Cứu Chúa duy nhất và đầy đủ,  Ngài chịu chết để cứu chúng ta khỏi đời ác này.  Điều này bao gồm không những bại hoại về đạo đức và chính trị của đời này, mà còn cả thế giới tôn giáo vốn pha trộn các nghi thức và các lễ hội với đức tin, tin nơi Chúa Giê-su.  Do đó, bài học này hết sức đúng lúc để cần cảnh tĩnh Hội thánh hãy quay trở về với chính thống của Đấng Christ phục sinh, Ngài đã chịu chết để cứu Hội thánh ra khỏi.  Sự cứu chuộc của Đấng Christ là đúng theo ý muốn của Thiên Chúa, là Cha chúng ta- không phải bởi những nổ lực yếu ớt đáng thương của con người, nhưng là ý muốn tối thượng của Chúa Thiên đàng.  Chỉ duy nhất có Christ là con đường sự sống và sự cứu rỗi linh hồn con người.

2.2 Đức Chúa Trời, Đấng đáng để nhận mọi vinh hiển

Phúc-âm của ân điển, mọi vinh hiển cho sự cứu rỗi của con người đều phải qui về dâng lên cho Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh.  Con người không thể chia xẻ vinh hiển này vì Thiên Chúa bày tỏ chương trình cứu rỗi chúng ta qua sự chết của Chúa Giê-su Christ  là giá trị cứu chuộc bởi chúng ta tin và bởi tin mà chúng ta được kể như là công chính. 
Qua đó Ngài ban cho chúng ta khả năng để chúng ta phục Ngài trong giao-ước mới của Ngài, với nhiều ân tứ để hoàn thành chức vụ được giao dâng vinh hiển về cho Ngài.  Chức vụ và sự cứu chuộc đều đến từ Đức Chúa Trời.  Chúa cứu chuộc mỗi con người trong chúng ta để làm gì?  Chúa Chúa Giê-su phán:” Hãy nhớ đến(chức vụ) sự chết của Ngài và rao truyền(chức vụ) sự chết ấy ra cho mọi người.  Một cuộc đời tin theo Chúa Giê-su là cuộc đời có cuộc sống bởi ân điển và họ được kể là công chính trước mặt Thiên Chúa.  Trong lúc chúng ta chẳng có gì là xứng đáng cả,  chúng ta vốn chỉ là bụi đất trong bàn tay thợ gốm.  Ngài là thợ gốm, Ngài có mọi thẩm quyền trên cuộc đời chúng ta, nên Ngài muốn chúng ta biết rằng chức vụ của chúng ta là từ Ngài, bởi Ngài, vinh hiển thuộc về Ngài đời đời.

* Lời Chúa muốn nhắc nhở mỗi Cơ-đốc nhân đang có một chức vụ theo thánh ý Thiên Chúa không phải bởi Loài người, và chức vụ ấy là sự phục vụ giao-ước mới.  Có nghĩa là chúng ta có chức vụ ghi nhớ rõ ràng về Chúa Giê-su là phải rao sự chết của Ngài ra cho mọi người. 
* Đây là sự cứu chuộc(ân điển) của Ngài ban cho mọi người, sự ban cho nầy là không có sự hoàn trả và không tây vị một ai.  Khi chúng ta xác định như vậy rồi thì cũng có nghĩa là chúng ta đang bước vào sự tôn cao danh Ngài qua chức vụ đã nhận lãnh nơi Ngài.
*Hãy vững đức tin vào sự cứu chuộc của Thiên Chúa ban cho chúng ta là chắc chắn bởi sự công chính của Ngài, sự thành tín vô hạn bởi tình yêu cao quí mà Ngài hy sinh đổ huyết ra.
*Chúng ta tin không lung lay mà thêm thắt công đức hay luật pháp để chúng ta đừng trở nên kẻ làm rối trí anh chị em mình trong Hội thành Chúa  Nhất là đừng làm cho sự cứu rỗi trong chương trình của Thiên Chúa trở nên vô ích.
*Chúng ta hãy tin rằng: tôi đã nhận được chức vụ từ nơi ý muốn của Thiên Chúa ban cho để rồi tôi hầu việc nhằm đem lại kết quả cho Ngài.  Nhất là, sự cứu chuộc của Ngài và Ngài muốn ban tặng cho chúng ta chỉ bởi đức tin mà thôi.


Mục sư Lê Qúi Hữu. 0968871056
Kỳ sau: (Phần 03) Mục Đích - Xuất Xứ Sự Bội đạo (Gal 1:6-10)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét