I/. Người Khuyết Tật ?
Ai muốn?và ai hiểu? |
Người khuyết tật là người có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần mà vì thế gây ra suy giảm đáng kể và lâu dài đến khả năng thực hiện các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày.
Theo DDA (Disability Discrimination Act – Đạo luật chống phân biệt đối xử với người khuyết tật do Quốc hội Anh ban hành), khi xét về mặt thời gian tác động thì khiếm khuyết kéo dài hoặc sẽ có thể kéo dài mà ít hơn 12 tháng bình thường không được coi là khuyết tật, trừ phi là bị tái đi tái lại, một số người có khiếm khuyết kéo dài hơn một năm thì vẫn ở trong diện của DDA, cả khi họ sẽ được phục hồi hoàn toàn. Còn Đạo luật về người khuyết tật của Hoa Kỳ năm 1990 (ADA - Americans with Disabilities Act of 1990) định nghĩa người khuyết tật là người có sự suy yếu về thể chất hay tinh thần gây ảnh hưởng đáng kể đến một hay nhiều hoạt động quan trọng trong cuộc sống . Cũng theo ADA những ví dụ cụ thể về khuyết tật bao gồm: khiếm khuyết về vận động, thị giác, nói và nghe, chậm phát triển tinh thần, bệnh cảm xúc và những khiếm khuyết cụ thể về học tập, bại não, động kinh, teo cơ, ung thư, bệnh tim, tiểu đường, các bệnh lây và không lây như bệnh lao và bệnh do HIV (có triệu chứng hoặc không có triệu chứng). Có sự thống nhất tương đối về định nghĩa thế nào là khuyết tật của hai đạo luật này.
Khái Niệm
Khuyết tật và tàn tật
Đây là hai từ tiếng Việt để chỉ cùng một khái niệm, hiện nay người ta vẫn dùng song song chúng trên các phương tiện truyền thông đại chúng và văn bản pháp quy. Trong các pháp lệnh trước đây của nhà nước Việt Nam, tàn tật là cụm từ được chính thức sử dụng, song theo dự thảo năm 2009, từ khuyết tật nhiều khả năng sẽ được dùng để thay thế từ tàn tật trong các bộ luật.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, có ba mức độ suy giảm là: khiếm khuyết (impairment), khuyết tật (disability) và tàn tật (handicap). Khiếm khuyết chỉ đến sự mất mát hoặc không bình thường của cấu trúc cơ thể liên quan đến tâm lý hoặc/và sinh lý. Khuyết tật chỉ đến sự giảm thiểu chức năng hoạt động, là hậu quả của sự khiếm khuyết. Còn tàn tật đề cập đến tình thế bất lợi hoặc thiệt thòi của người mang khiếm khuyết do tác động của môi trường xung quanh lên tình trạng khuyết tật của họ (WHO, 1999). Còn theo quan điểm của Tổ chức Quốc tế người khuyết tật, người khuyết tật trở thành tàn tật là do thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội và có một cuộc sống giống như thành viên khác (DPI, 1982). Do vậy, khuyết tật là một hiện tượng phức tạp, phản ánh sự tương tác giữa các tính năng cơ thể và các tính năng xã hội mà trong đó người khuyết tật sống.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 6.1 triệu người khuyết tật, tương đương 7.8% dân số.
Thông thường từ khuyết tật được cho là mang sắc thái tình cảm, ý nghĩa tốt hơn là từ tàn tật. Người ta cho rằng từ “tàn” trong cụm từ tàn tật gợi đến hình ảnh tiêu cực, tạo cảm giác không còn khả năng gì, không còn tương lai và điều đó ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn. Từ “khuyết” mang nghĩa suy giảm chức năng nhưng vẫn có khả năng phục hồi, vẫn còn hy vọng. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là các tên gọi, các nhãn mác cho khái niệm do vậy không cần phải quá câu nệ, cốt yếu là thái độ và hành vi thực tế. Tuy nhiên xu hướng chung được khuyến nghị là sử dụng từ khuyết tật thay cho từ tàn tật. Trong cuộc hội thảo do Văn phòng Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD) và Tổ chức Cứu trợ và Phát triển (CRS) thực hiện thì có đến 17 trên tổng số 19 ý kiến cho rằng nên thay cụm từ tàn tật bằng khuyết tật. Ngoài ra bản thân những người có khiếm khuyết cũng muốn mình được gọi bằng cụm từ người khuyết tật hơn.
Theo định nghĩa khuyết tật phải đảm bảo cả hai điều kiện là có khiếm khuyết và khiếm khuyết đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Nói về khiếm khuyết, đó là vấn đề không thể tránh khỏi của bất cứ người nào vì không có ai hoàn hảo. Vậy vấn đề chỉ còn nằm ở chỗ khiếm khuyết đó nghiêm trọng đến mức nào. Tuy nhiên khái niệm nghiêm trọng ở đây không hoàn toàn xác định được một cách chính xác, do nó phụ thuộc vào đa dạng các yếu tố. Nếu một người cận thị khá nặng trong thời đại không có kính trợ giúp thì đó là một vấn đề cực rắc rối và sẽ bị coi là khuyết tật. Một ví dụ khác, chẳng hạn một cô gái có vết sẹo dài ở mặt và trông khó coi (theo quan điểm của xã hội) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc của cô trong đó có lòng tự trọng bị tổn thương và khả năng kết hôn theo sự tự lựa chọn thấp. Nhưng rõ ràng là cô gái đó vẫn có sức khỏe thể chất, tâm thần và giác quan bình thường. Như vậy sự khuyết tật của cô do quan niệm của xã hội tạo thành, chính những quan niệm của xã hội và của chính cô đã hạn chế cô tri nhận đầy đủ giá trị cuộc sống. Nếu vết sẹo đó ở vùng bụng vấn đề lại khác hoàn toàn. Những điều trên cho thấy, sự cải tiến của khoa học công nghệ và sự điều chỉnh thái độ đúng đắn khiến nhiều người khuyết tật sẽ đơn giản chỉ là bị khiếm khuyết. Mô hình khuyết tật sẽ giúp hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Có nhiều mô hình khuyết tật, dưới đây chỉ trình bày hai mô hình chính:
1.Mô hình y học của khuyết tật: theo đó khuyết tật là tình trạng suy giảm thể chất, tinh thần của một cá nhân ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của cá nhân đó. Như vậy việc chữa trị hoặc kiểm soát khuyết tật đồng nghĩa với việc xác định, tìm hiểu, cũng như tác động lên khuyết tật. Do đó nếu chính phủ, khu vực tư nhân và toàn xã hội đầu tư cho việc chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ có liên quan để chữa trị các khuyết tật về mặt y học sẽ giúp người khuyết tật có một cuộc sống bình thường. Mô hình này nhấn mạnh đến bản chất của chính khuyết tật.
2.Mô hình xã hội của khuyết tật: theo đó những rào cản và định kiến của xã hội dù là có chủ ý hay vô ý là những nguyên nhân chính xác định ai là người khuyết tật và ai không là người khuyết tật. Mô hình này cho rằng một số người có những khác biệt về mặt tâm lý, trí tuệ hoặc thể chất (những khác biệt mà đôi khi có thể coi là những khiếm khuyết) so với chuẩn mực chung, nhưng những khác biệt này sẽ không dẫn đến các khó khăn nghiêm trọng trong cuộc sống nếu xã hội có thể giúp đỡ và có suy nghĩ, ứng xử tích cực. Mô hình xã hội nhấn mạnh tới sự bình đẳng và chú trọng đến những thay đổi cần thiết của xã hội.
Tỷ lệ
Dựa trên Bảng phân loại Quốc tế về chức năng, khuyết tật và sức khỏe (International Classification of Functioning, Disability and Health-ICF) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổng cục Thống kê Việt Nam đã tiến hành khảo sát, họ sử dụng một số câu hỏi về khuyết tật theo phương pháp đánh giá chức năng. Mỗi thành viên 5 tuổi trở lên của hộ gia đình được phỏng vấn 6 câu hỏi để đánh giá thực hiện các chức năng cơ bản của con người là: nghe, nhìn, vận động, nhận thức, khả năng ghi nhớ/tập trung, tự chăm sóc bản thân, và chức năng giao tiếp. Người trả lời tự đánh giá việc thực hiện các chức năng đó dựa trên 4 mức phân loại sau: (1) Không khó khăn; (2) Khó khăn; (3) Rất khó khăn; và (4) Không thể thực hiện được. Trong tài liệu này, nếu một người có phương án trả lời là (2), (3) hoặc (4) khi thực hiện bất kỳ chức năng nào trong sáu chức năng nói trên sẽ được coi là khuyết tật.
Theo cách phân loại trên tỷ lệ người khuyết tật chung cả nước là 15,3%. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Đông Nam Bộ, thấp nhất là Tây Bắc. Tỷ lệ người khuyết tật khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (17,8% so với 14,4%).
Tỷ lệ người khuyết tật nữ cao hơn nam (16,58% so với 13,69%) lý do được đưa ra là nhóm dân số nữ cao tuổi chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với nhóm dân số cao tuổi là nam giới.
Người khuyết tật rất khó khăn về nhiều mặt trong đó có học tập, việc làm, hôn nhân, kỳ thị...Những khó khăn đó tác động qua lại lẫn nhau, là nguyên nhân và kết quả của nhau do vậy chúng tạo thành một vòng luẩn quẩn. Sự giúp đỡ lớn về vật chất không phải ai cũng làm được nhưng về tinh thần thì khác - chúng ta giúp được rất nhiều chỉ cần sự thành tâm mà thôi. Cản trở lớn nhất với người khuyết tật là kỳ thị, nó là rào cản vô hình nhưng tàn nhẫn đẩy nhiều người ra bên lề của cuộc sống. Và kỳ thị không phải là vấn đề thuộc vật chất, của khoa học kỹ thuật - nó là vấn đề thuộc tâm lý, và sự ý thức sâu xa giá trị sống của con người - mà không phải là lòng thương hại - nhưng là lòng cảm thông thực sự sẽ chỉ hướng cho hành động đúng đắn của chúng ta. Dưới đây trình bày cụ thể những bất lợi chung của người khuyết tật.
Với sự giới hạn của mình, đặc biệt là ở người khuyết tật về trí tuệ hoặc cơ quan thu nhận cảm giác (khiếm thính, khiếm thị) khả năng tiếp thu tri thức là khá khó khăn, khuyết tật vận động thì bị ảnh hưởng ít hơn. Người khuyết tật cần một hình thức giáo dục đặc biệt phù hợp với đặc điểm khiếm khuyết của mình - điều này đôi khi yêu cầu đầu tư về cơ sở vật chất nhiều hơn so với giáo dục thông thường, do đó nếu sự hỗ trợ từ phía chính quyền, cơ quan giáo dục và bản thân gia đình không tốt, việc duy trì học tập tiếp lên cao hầu như là bất khả thi.
Khó khăn trong học tập ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xin việc, trình độ học vấn chung của người khuyết tật thấp hơn tương đối so với cộng đồng. Ngoài ra một số công việc có những yêu cầu mà người khuyết tật khó thực hiện tốt được, điều này có thể được giảm thiểu bằng cách tránh những việc liên quan đến hạn chế của mình, chẳng hạn khuyết tật ở chân thì không nên tìm những việc phải đi lại quá nhiều. Một số khác thì yêu cầu ngoại hình và sức khỏe tốt, đây cũng là những công việc mà họ khó có thể tiếp cận.
Nhiều người khuyết tật gặp nhiều cản trở trong tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi
Người khuyết tật khó lập gia đình hơn người bình thường, điều này có nhiều nguyên nhân. Theo nguyên lý chung thì con người có xu hướng lựa chọn bạn đời có bộ gien tốt, do vậy người khuyết tật thường bị cho là lựa chọn "dưới tiêu chuẩn", bằng chứng là 17% người được hỏi ở Thái Bình, 16% ở Quảng Nam - Đà Nẵng và 25% ở Đồng Nai còn có ý nghĩ rằng người khuyết tật chỉ nên kết hôn với người khuyết tật - một quan điểm thể hiện sự phân biệt đối xử hết sức rõ ràng. Thứ nữa nếu một người lành lặn yêu người khuyết tật, gia đình - đặc biệt là bố mẹ của người không khuyết tật thường phản đối vì họ sợ rằng nếu lấy con họ sẽ khổ. Ngoài ra là những lo sợ về di truyền, khả năng chăm sóc con cái yếu kém và khó khăn sau này do bệnh nặng thêm, kinh tế khó khăn, xấu hổ với xã hội... Người khuyết tật cũng thường có mặc cảm mình làm khổ người yêu với suy nghĩ sai lầm kiểu như: Đáng ra anh (cô) ấy sẽ hạnh phúc hơn nếu yêu và lấy người lành lặn. Dư luận xã hội nói chung có cách nhìn phiến diện, dư luận cho rằng sẽ là đôi đũa lệch nếu như một cô gái khỏe mạnh lấy một chàng trai khuyết tật (hoặc ngược lại) và nghĩ rằng họ đến với nhau vì một lý do khác chứ không phải tình yêu. Sự thực thì đúng là có những khó khăn nhất định nhưng hạnh phúc gia đình không chỉ phụ thuộc duy nhất vào việc người nào đó có khuyết tật hay không.
Đứa bé có cha , mẹ là người mù |
Tâm lý của khá đông người khuyết tật là mặc cảm, tự đánh giá thấp bản thân mình so với những người bình thường khác. Ở những người mà khuyết tật nhìn thấy được - chẳng hạn như khuyết chi - họ có các biểu hiện tâm lý giống như mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder), tức là sự chú trọng quá mức đến khiếm khuyết cơ thể đến nỗi gây khổ đau lớn - mặc dù vậy trong tâm lý học, mặc cảm ngoại hình không được chẩn đoán cho người có khiếm khuyết cơ thể nghiêm trọng, rối loạn tâm lý này chỉ hướng tới những người có khiếm khuyết nhỏ nhưng lại cứ cường điệu chúng lên. Tiếp đến một ảnh hưởng khác cần xét đến là ám ảnh sợ xã hội một kiểu trốn tránh và sợ hãi khi thực hiện các hoạt động mang tính cộng đồng như giao lưu gặp gỡ ở chỗ đông người. Tuy nhiên điều này không phải luôn luôn đúng, người ta nhận thấy ở nhiều người khuyết tật nỗ lực tồn tại và phát triển đặc biệt cao.
Sự phân biệt đối xử của cộng đồng là nguyên nhân chính cản trở người khuyết tật có cuộc sống tốt đẹp
Kỳ thị là vấn đề thường xảy ra với nhóm thiểu số và mang một số đặc điểm bị cho là bất lợi. Người ta bắt gặp thái độ đó với nhóm người mắc HIV, những người đồng tính luyến ái, tội nhân sau khi ra tù... Người khuyết tật cũng không tránh khỏi và điều đó càng làm họ khó khăn hơn để có được cuộc sống bình thường.
Gần 50 năm trên chiếc xe |
Họ đã mù vì tai nạn |
Người đàn ông này không có đôi chân |
Phân biệt đối xử bởi chính gia đình mình (dựa trên việc đặt câu hỏi với những người quen biết người khuyết tật - lý do là người trong gia đình sẽ không nói thật về hành vi phân biệt đối xử của chính họ):
- Coi thường người khuyết tật (16%);
- Coi là gánh nặng suốt cuộc đời (40%);
- Coi là vô dụng (20,7%);
- Thường xuyên lăng mạ (14,2%);
- Bỏ mặc không chăm sóc (8,5%);
- Bỏ rơi (7,1%);
- Không cho ăn (4,3%);
- Khóa/xích trong nhà (10,2%);
- Bắt đi ăn xin (1,5%).
Theo một nghiên cứu của nước Anh, người khuyết tật có nhiều khả năng là nạn nhân của bạo hành hoặc hãm hiếp, và ít có khả năng hơn được cảnh sát can thiệp, bảo vệ pháp lý hoặc chăm sóc phòng ngừa. Nghiên cứu khác cho thấy rằng bạo hành đối với trẻ em khuyết tật xảy ra hàng năm cao hơn ít nhất là 1,7 lần so với những trẻ có cùng vị thế nhưng không khuyết tật. Phụ nữ và các trẻ gái khuyết tật đặc biệt dễ bị tổn thương, lạm dụng. Một cuộc khảo sát nhỏ trong năm 2004 tại Orissa, Ấn Độ, cho thấy rằng hầu như tất cả phụ nữ và các trẻ gái khuyết tật từng bị đánh ở nhà, 25% phụ nữ khuyết tật trí tuệ bị hiếp dâm và 6% bị buộc làm mất khả năng sinh đẻ bằng vũ lực. Như vậy người khuyết tật nói chung dễ trở thành đối tượng của bạo lực hơn, cả về mặt thể xác lẫn tinh thần.
Các cuộc chiến đã tạo ra nhiều thương binh và nạn nhân. Tùy từng quốc gia có những chính sách đặc biệt để giúp đỡ những người này. Trong thời bình theo thời gian tỷ lệ người khuyết tật do chiến tranh sẽ giảm dần thay vào đó tỷ lệ do tai nạn giao thông, sinh hoạt và trong lúc lao động sẽ tăng lên.
Ảnh hưởng chiến tranh đến người khuyết tật Việt Nam
Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh có quy mô tàn phá khủng khiếp. Những khuyết tật của cựu binh và dân thường có hậu quả trực tiếp từ bom đạn hoặc các hành vi tra tấn và tù hãm. Khuyết tật chân tay (khuyết chi) là những dạng phổ biến. Về rối loạn tâm lý thì rối loạn stress sau sang chấn – một dạng ám ảnh, sợ hãi về quá khứ đau thương, có thể xảy ra với mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy theo độ thảm khốc của sang chấn.
Người Khuyết tật ở Việt Nam
Thống kê của Chính phủ Việt Nam năm 2003 cho thấy có trên 5 triệu người khuyết tật, chiếm 6,3% tổng dân số. Theo giới tính thì, 63,5% người khuyết tật là nam giới và chỉ có 36,5% là nữ, các con số thống kê khác mới hơn ở 4 tỉnh Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng và Đồng Nai cho kết quả tương tự trong đó nam giới vẫn chiếm nhiều hơn với con số xoay quanh khoảng 60%.
Sự giúp đỡ
Máy móc hỗ trợ cho người khuyết tật rất nhiều, trên tất cả các phương diện từ khuyết tật vận động cho đến trí tuệ hay cảm giác.
- Vận động: Chân tay giả thường được thiết kế khi khả năng vận động vẫn tương đối tốt, ngày nay các chất liệu cũng như phần cơ khí của các bộ phận giả đó rất tiến bộ, tuy nhiên giá thành lại cao, không phù hợp với phần đông thu nhập của người Việt. Với những người bị nặng ở chân, xe lăn là phương tiện hỗ trợ hữu hiệu, thông thường sự di chuyển của xe lăn được thực hiện bằng tay, đối với những người tay rất yếu họ được thiết kế những chiếc xe lăn chuyên dụng chạy bằng điện chỉ phải điều khiển bằng nút bấm.
- Cơ quan thu nhận cảm giác: người nghe kém có các máy trợ thính điện tử nhỏ gọn với khả năng phóng đại cũng như lọc âm tốt. Người suy giảm thị lực ở mức độ vừa phải nhận được sự hỗ trợ từ kính mắt, một phương tiện có giá thành bình dân. Ở những người bị nặng mà các phương tiện quang học không còn có khả năng giúp ích nữa thì chữ nổi, băng ghi âm và đặc biệt là các máy đọc tự động sẽ xuất hiện. Máy đọc tự động sản phẩm của công nghệ tổng hợp giọng nói sẽ tự động đọc các văn bản thành tiếng, tuy nhiên để giống được người nói còn là một chặng đường dài. Các ứng dụng thuộc chuyên ngành xử lý ngôn ngữ tự nhiên có khả năng to lớn giúp ích cho những người có khiếm khuyết liên quan đến ngôn ngữ - một công cụ nhận thức và giao tiếp cơ bản.
Dụng cụ đặc chế
Có nhiều dụng cụ và phương tiện được đặc chế để hỗ trợ người khuyết tật trong sinh họat hằng ngày, như xe lăn, sách báo với hệ thống các dấu chấm nổi Braille
Một số phần mềm hỗ trợ
Thí dụ như phần mềm đọc tự động trên máy tính hoặc các thiết bị cầm tay để giúp người khiếm thị. Ngoài ra phải kể đến các chương trình như từ điển, sách nói, trình duyệt web...Hệ điều hành Windows XP cũng có những thiết lập để tạo thuận lợi cho người khuyết tật, để thực hiện các thiết lập đó có thể vào mục Accessibility Options có biểu tượng người ngồi xe lăn màu xanh lá cây trong Control Panel. Cụ thể làm như sau: chọn Start – Settings – Control Panel, nháy đúp vào Accessibility Options. Trong hộp thoại, sẽ thấy 5 thẻ tương ứng với 5 chức năng: Keyboard, Sound, Display, Mouse, General. Những hỗ trợ này chủ yếu tập trung vào người khiếm thị, khiếm thính và những người khó thao tác bình thường với bàn phím do dị tật nào đó ở tay. (Nguồn:Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Hãy chú ý đến họ, hãy nghĩa đến họ! nếu chúng ta nằm trong số những người này thì sẽ thế nào?
Hãy chú ý đến họ, hãy nghĩa đến họ! nếu chúng ta nằm trong số những người này thì sẽ thế nào?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét